Trang thông tin điện tử
Xã Long Phước

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Xã Long Phước

Tổng quan

Khái quát đặc điểm tình hình xã  Long Phước

Xã Long Phước nằm cách trung tâm thành phố Bà Rịa 07 km về hướng Đông Bắc, tiếp giáp với 3 huyện: Châu Đức, Long Điền và Đất Đỏ. Phía Đông tiếp giáp xã Long Tân, huyện Đất Đỏ; Phía Tây tiếp giáp xã Hòa Long, thành phố Bà Rịa; Phía Nam tiếp giáp thị trấn Long Điền, huyện Long Điền; Phía Bắc tiếp giáp xã Đá Bạc, huyện Châu Đức. Toàn xã có 2.664 hộ, với 10.430 khẩu, được chia thành 06 ấp, gồm: Ấp Đông, ấp Tây, ấp Nam, ấp Bắc, ấp Phước Hữu và ấp Phong Phú, có 69 tổ địa bàn dân cư. 

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, xã Long Phước luôn là vùng tranh chấp quyết liệt giữa lực lượng cách mạng với kẻ thù, được coi là cái nôi của cách mạng, là địa bàn đứng chân của các lực lượng vũ trang tỉnh và huyện. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân xã Long Phước luôn phát huy truyền thống yêu nước, bám đất, giữ làng, không ngại hy sinh gian khổ. Trước cảnh nước mất nhà tang nhân dân Long Phước không hề khuất phục từ tay không đến gậy tầm vông vạt nhọn đã kiên cường chống giặc, lập nên nhiều chiến công có ý nghĩa lịch sử. Có biết bao người con của quê hương Long Phước và khắp nơi về đây đánh giặc, đã anh dũng hy sinh, đổ bao xương máu để giành lại mảnh đất thân yêu này và đã vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại. Ghi nhận những đóng góp và hy sinh to lớn của Đảng bộ, quân và dân xã Long Phước, năm 1994 xã được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã phong tặng danh hiệu cao quí “ Anh hùng LLVTND”. Hiện nay, trên địa bàn xã có 04 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó: có 03 anh hùng liệt sĩ và 01 còn sống đó là anh hùng LLVT Nguyễn Văn Tàu, 94 mẹ được công nhận danh hiệu bà Mẹ VNAH, trong đó: 04 mẹ còn sống; có 445 liệt sĩ; 140 thương, bệnh binh; 97 cán bộ hưu trí mất sức, 112 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày và 347 người có công cách mạng. Đến năm 2004 xã Long Phước được công nhận xã văn hóa; năm 2014 xã được công nhận xã văn hóa nông thôn mới và năm 2016 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và năm 2021 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Xã Long Phước, thành Phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu là vùng đất sớm hình thành và phát triển trên bước đường mở đất của ông cha ta. Lúc bấy giờ, cuộc phân tranh giữa Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn cùng với các cuộc chiến giữa nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh kéo dài, thời gian này dân tộc ta tiến xuống phương Nam, trong đó có gia đình một người con gái tên là Thị Rịa vào sinh sống ở vùng đất Mô Xoài (là Long Phước ngày nay), gia đình bà đã mở rộng vùng đất Mô Xoài. Năm 1862 thực dân Pháp đánh chiếm Phước Tuy, lập tỉnh Bà Rịa (chúng đóng đồn tại ruộng ông Xương ngày nay) mới gọi là làng Long Lập và làng Thao Lao còn gọi là làng Phước Hữu. Làng Long Lập trước đây có xóm lũy (ấp Bắc ngày nay) với nhiều lũy tre xanh, có hố sâu, xóm Bông (ấp Nam). Từ mảnh đất này hình thành hai làng Long Lập và Phước Hữu. Năm 1930, thực dân Pháp sáp nhập hai làng Long Lập và Phước Hữu thành xã Long Phước và sắp xếp lại các đơn vị hành chính, tỉnh Bà Rịa có hai quận là Long Điền, Đất Đỏ. Xã Long Phước thuộc quận Long Điền. Từ năm 1945 đến năm 1954, xã Long Phước thuộc huyện Long Điền tỉnh Bà Rịa (từ năm 1951-1954 là tỉnh Bà Rịa-Chợ lớn).

Sau hiệp định Giơnevơ 1954, tỉnh Bà Rịa được thành lập lại gồm thị xã Bà Rịa và các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Vũng Tàu, Cần Giờ. Giữa năm 1957, Tỉnh ủy quyết định thành lập Huyện ủy Châu Thành gồm Ban cán sự cao su cùng các Chi bộ Hòa Long, Long Phước và các xã Nam - Bắc lộ 15. Tháng 4 năm 1965, để phù hợp với chiến trường và địa bàn chống Mỹ, Tỉnh ủy sáp nhập 02 huyện Châu Thành và huyện Đức Thạnh lại thành huyện Châu Đức. Xã Long Phước trực thuộc Huyện Châu Đức.

Ngày 01 tháng 01 năm 1976, tỉnh Đồng Nai được thành lập trên cơ sở sáp nhập các tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa-Long Khánh và tỉnh Tân Phú (tỉnh căn cứ), huyện Châu Đức cùng thị xã Bà Rịa hợp nhất thành huyện Châu Thành, xã Long Phước trực thuộc huyện Châu Thành.

Nghị quyết Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 ngày 12 tháng 8 năm 1991 thành lập tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gồm Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo và 03 huyện của tỉnh Đồng Nai là Long Đất, Châu thành và Xuyên Mộc. Xã Long Phước thuộc huyện Châu Thành.

Ngày 02 tháng 6 năm 1994, Chính Phủ ra Nghị định số 45/CP về việc thành lập thị xã Bà Rịa, huyện Châu Đức và huyện Tân Thành, lúc bấy giờ thị xã Bà Rịa gồm 5 phường: Phước Hưng, Phước Hiệp, Phước Nguyên, Phước Trung, Long Toàn và 3 xã: Long Hương, Hòa Long, Long Phước. Như vậy, kể từ năm 1994, xã Long Phước thuộc thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngày 22/8/2012 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 43/NQ-CP thành lập thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, từ đó đến nay xã Long Phước thuộc thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

Xã Long Phước có vị trí chiến lược trên cả 3 mặt kinh tế, chính trị, quân sự, cả với cách mạng và thực dân đế quốc. Đối với cách mạng Long Phước có tiềm năng về nông nghiệp, nguồn cung cấp lương thực dồi dào cách mạng địa phương. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xã Long Phước được xem là “núm sữa” của tỉnh Bà Rịa. Xã Long Phước lại tiếp giáp với vùng giải phóng, căn cứ địa đạo cách mạng của Tỉnh hợp cùng với xã Long Kiên, Long Xuyên, Long Tân (trong kháng chiến chống Pháp) thành khu Tứ Long. Với các xã Long Tân, Hòa Long trong kháng chiến chống Mỹ thành khu Tam Long, tạo thế liên hoàn một hành lang vận chuyển, liên lạc, một địa bàn đứng chân và xuất phát tiến công của địch ở thị xã Bà Rịa, thị trấn Long Điền. Chính dựa vào các yếu tố này, trong hai cuộc kháng chiến, xã Long Phước thường xuyên là nơi dừng chân chỉ đạo của các Huyện ủy, Tỉnh ủy Bà Rịa-Long Khánh (Long Khánh nay là thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), giáp ranh tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

          Xã Long Phước là địa hình trung du, tương đối bằng phẳng, phía Bắc có dãy Núi Đất cao 102m, kinh tế của địa phương chủ yếu là nông nghiệp, có 02 mùa mưa nắng rõ rệt. Do tiếp giáp với ba huyện và ở rất gần trung tâm huyện (Long Điền- Đất Đỏ) có vị trí khá đặc biệt, là điều kiện thuận lợi để hình thành phát triển vành đai xanh, vành đai thực phẩm chất lượng cao và an toàn. Phát triển cây ăn quả đặc sản, rau an toàn, phát triển cây xanh đô thị, thiết lập các mô hình kinh tế nông nghiệp theo chuẩn mực, nhằm đáp ứng ngày càng cao về yêu cầu sinh hoạt và kinh tế trong cơ chế thị trường.

          Hệ thống giao thông đường bộ phát triển thuận lợi cho việc luân chuyển hàng hóa. Tuyến giao thông quan trọng nhất của xã Long Phước là tỉnh lộ 52 giáp xã Hòa Long, thành phố Bà Rịa và xã Long Tân, huyện Đất Đỏ. Bên cạnh đó, có 03 tuyến đường gồm: Hương lộ 3 giáp xã Hòa Long, thành phố Bà Rịa; Hương lộ 8 giáp thị trấn Long Điền, huyện Long Điền và đường Quốc phòng, giáp xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, đã được thảm nhựa bê tông.Thực hiện chiến lược phát triển giao thông nông thôn và xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay đường xá khang trang, không còn lầy lội, phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển trên địa bàn xã được thuận lợi trong việc phát triển sản xuất tăng thu nhập, đời sống nhân dân xã Long Phước ngày càng được nâng cao./.